Điểm trường Huổi Lụ 1 nằm sâu trong thung lũng tuy chỉ cách trung tâm xã hơn 7km đường đất nhưng từ trung tâm xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ, Điện Biên), trời nắng, nhưng các thầy phải mất gần 20 phút mới đưa được chúng tôi vào đến nơi.
Đường vào Huổi Lụ 1 là con đường độc đạo, theo các thầy cô, trời nắng thì còn dễ đi còn trời mưa, hành trình vào đến nơi là một hành trình không hề dễ dàng, ngay cả với những người dân bản địa của thôn này.
Dọc bên bờ suối Nậm Chua, thi thoảng, lấp ló những ngôi nhà dân, trải dài suốt theo con suối. Theo chính quyền sở tại, hộ nghèo ở Huổi Lụ chiếm gần 100%.
|
Trước đây, việc đi lại, giao thương của người dân đều phải lội qua suối.
Nhất là vào mùa mưa, việc đi học của gần 80 học sinh ở 2 điểm trường: tiểu học và mầm non gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Trước kia, khi nước lũ về, nước suối dâng cao, học sinh phải nghỉ học ở nhà hoặc xin ở nhờ nhà dân xung quanh trường để tiện cho việc đi học.
Còn đối với bà con dân bản, phải mua lương thực, thực phẩm về trữ, vì có thể bị cô lập mấy ngày liền.
Những năm gần đây, Huổi Lụ đã có những đổi thay đáng kể, một căn nhà học khang trang theo mô hình “3 cứng” của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã được dựng lên.
Lớp học được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, các cấp, ban ngành trong huyện Nậm Pồ và tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân từ khắp các nơi.
Gần 60 em học sinh mầm non được học trong những lớp học đúng chuẩn.
|
Những đứa trẻ ở Huổi Lụ 1 (Ảnh: LC) |
Ngày chúng tôi đến điểm bản Huổi Lụ, chỉ còn cô giáo Tòng Thị Lan, cô giáo trẻ người dân tộc Thái đang “kiêm nhiệm” trông cả thảy 60 trẻ, 100% trẻ ở lớp học này là người dân tộc Mông.
Cô giáo Mỹ Trinh, cô giáo cùng ở điểm trường với cô Lan, hôm nay phải về trung tâm tập văn nghệ chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Lớp học 60 trẻ díu dít, rất nhiều trẻ mới chỉ ra lớp chưa đầy 1 tuần. Tiếng khóc cười, tíu tít quanh cô giáo.
Là giáo viên mới chuyển về từ huyện Điện Biên Đông, vùng ít khó khăn hơn trường Nà Khoa nhưng cô giáo Lan không cho đó là vất vả của riêng mình.
“Em đến Nà Khoa từ năm học này, điểm bản của em cũng chưa vất vả lắm vì còn nhiều chị em phải đi những bản xa hơn em nhiều.
Điều em ngại nhất vẫn là đường đi thôi ạ. Từ ngày vào đây, em phải đi bộ 2 lần, trời mưa, trơn quá không đi xe máy được.
Một lần phải nhờ chồng đón”.
Dù công tác ở điểm khó nhưng cô Lan vẫn luôn cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều chị em khác trong trường khi có những điểm xa hơn, khó khăn hơn rất nhiều.
|
Hai cô giáo ở điểm trường Huổi Lụ 1. (Áo trắng là cô Tòng Thị Lan, áo đỏ là cô Mỹ Trinh) (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Hiện tại Huổi Lụ có 60 học sinh cả mẫu giáo và nhà trẻ nhưng chỉ có 2 cô giáo mầm non.
Sắp tới công việc sẽ còn rất vất vả khi các cô sẽ nấu cơm bán trú cho cả 60 trẻ tại điểm trường này.
Khi được hỏi vì sao mình chọn nghề mầm non, cô giáo Tòng Thị Lan cho biết: “Em chọn nghề này ngay từ khi em còn trên ghế nhà trường. Em không biết nói sao nhưng thực sự em rất yêu trẻ con.
Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn khi có những đứa trẻ người dân tộc Mông chưa biết tự chăm sóc bản thân mình.
|
Phút nhí nhảnh của cô và trò Huổi Lụ 1. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Vệ sinh cá nhân còn vương vãi, chưa được vệ sinh nhưng em không cho nó là bẩn mà em nghĩ mình phải có trách nhiệm dạy bảo chúng.
Chính vì vậy dù khó khăn thế nào và nếu được chọn lại em vẫn chọn nghề cô giáo mầm non”.
Khi được hỏi công tác miền núi, phải đi điểm trường ở xa trung tâm, đường đi khó có khi nào cô Lan có ý định bỏ nghề không.
Cô giáo khẳng định chắc nịch rằng mình chưa bao giờ có ý nghĩ đó, dù nhiều lần đi bản, đường trơn trượt, ngã tím chân, tím tay.
Còn cô giáo Mỹ Trinh, người có “thâm niên” ở Huổi Lụ 1 cho biết, cô đã ao ước nghề này từ khi còn là một cô bé học Tiểu học.
Ngày đó Mỹ Trinh đã ao ước mình được dạy các bạn nhỏ học bài, được yêu thương, quý trọng bọn trẻ.
|
Đường vào với điểm trường Huổi Lụ 1. (Ảnh: LC) |
Thế nhưng, những ngày đầu đi làm Mỹ Trinh không nghĩ khó khăn đến thế: “Năm đầu em mới nhận quyết định đi làm em được phân công giảng dạy tại điểm bản Huổi Lụ 1 cùng 1 chị nữa.
Ngày đầu tiên em mới bắt đầu đi làm sáng 2 chị em đi xe vào, lúc tầm chiều về thì trời mưa to , nên 2 chị em phải dắt xe về, dắt được 1 đoạn lại phải dừng xe để cậy đất ở bánh xe ra tại đi đường đất nên đất cứ bám hết vào bánh đến nỗi bánh xe không thể lăn được.
Hôm đấy em vừa đẩy xe cùng chị đồng nghiệp, vừa nghĩ tại sao mình lại chọn nghề giáo viên nhỉ? Hôm đó 2 chị em dắt xe hết gần 4 tiếng mới ra hết đường đất.
Trong đầu tự nhiên có ý nghĩ, đi bản khổ thế này hay là về với bố mẹ thôi.
Nhưng nghĩ đến những đứa trẻ ngày mai chúng đang háo hức đợi cô giáo đến, nên ý nghĩ ấy chỉ vụt qua.
Nhớ lại những ánh mắt ngây thơ của đứa trẻ em lại thôi thúc yêu nghề hơn.
Đến giờ, trong đầu em luôn nghĩ, đi xe vào đấy xác định chỉ có ngã mà ngã thì lại dựng xe lên và ga đi tiếp thôi.
Chẳng còn ý định bỏ nữa.
Kể cả những ngày mưa lớn, em phải dậy từ 5h30 đi bộ vào lớp, cố đi nhanh mà vẫn muộn, khi đến lớp, các em đã đợi sẵn ở cửa chờ cô giáo đến rồi”.
Bây giờ, ngày nắng cũng như ngày mưa, đều đặn từng ngày cô giáo Trinh phải ra trung tâm lấy thực phẩm cho bọn trẻ. Có hôm mưa không về được, cô giáo trẻ phải ngủ lại trên điểm bản.
Trên lớp, học sinh ngoan có, học sinh cá biệt có, nhưng những ánh mắt của trẻ thơ, tiếng cười rộn rã của chúng giữa lòng núi đã làm những người như cô giáo Trinh, cô giáo Lan thêm gắn bó với nghề.
Hai cô giáo cùng sinh năm 1995 đều khẳng định mình rất yêu nghề và sẽ chẳng có ý định bỏ nghề dù khó khăn thế nào.
Trời nắng hay mưa, đường trơn trượt hay sình lầy các cô vẫn đến với các em.
Chưa ngày nào các cô nghỉ…
Khó có thể nói hết những khó khăn và vất vả của người giáo viên ở vùng cao, nhưng có lẽ vượt lên tất cả, những cô giáo trẻ như cô Trinh, cô Lan cùng rất nhiều cô giáo đang cắm ở những bản sâu của huyện Nậm Pồ vẫn đang từng ngày cần mẫn “bám” trên những bản làng heo hút đem “cái chữ” đến cho các em học sinh với hy vọng cánh cửa tri thức sẽ mang đến cho nơi đây một tương lai tốt đẹp hơn.