BANNER11111

Xây dựng “Cộng đồng học tập thôn bản” gắn với xây dựng “Dòng họ học tập” trên địa bàn huyện biên giới Nậm Pồ

Thứ ba - 25/08/2020 03:04
Thực hiện Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác khuyến học theo các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập”. Trong đó, đặc biệt chú trọng gắn kết giữa việc xây dựng “Cộng đồng học tập thôn bản” với xây dựng “Dòng họ học tập”, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương và xây dựng một xã hội học tập sâu rộng, bền vững.

Là huyện vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn. Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, những năm qua, phong trào khuyến học ở Nậm Pồ đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, Hội khuyến học huyện có 15 cơ sở hội với 186 chi hội và ban khuyến học.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, các mô hình đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là mô hình “Cộng đồng học tập” ở bản Nà Sự, xã Chà Nưa với những kết quả khả quan theo các bộ tiêu chí do Trung ương Hội Khuyến học ban hành.
Bản Nà Sự có 134 hộ với 599 nhân khẩu, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu là làm nông nghiệp. Tuy đời sống của bà con vẫn còn gặp không ít khó khăn nhưng việc học của con em trong bản luôn được chú trọng. Nà Sự là một trong 3 bản của xã Chà Nưa được Hội Khuyến học huyện lựa chọn thí điểm để xây dựng các mô hình học tập và đạt kết quả tốt. Hiện nay, bản có 4 dòng họ học tập tiêu biểu, các dòng họ đều có quỹ khuyến học nên công tác khuyến học phát triển rất mạnh.
Ông Tao Văn Kẻo, Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học bản cho biết: “Ngay sau khi được tiếp thu các văn bản triển khai thực hiện Đề án 281, chúng tôi đã đưa ngay vào Nghị quyết của chi bộ và triển khai đến tất cả các đảng viên trong chi bộ và các hộ gia đình nắm được và thực hiện nghiêm túc. Định kỳ, mỗi lần sinh hoạt chi bộ chúng tôi đều đánh giá việc triển khai thực hiện, nêu gương những hộ gia đình thực hiện tốt, động viên những hộ gia đình chưa đạt hoặc đạt ít các Tiêu chí”.
Thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện Đề án 281 trong các buổi họp bản
Luôn nêu cao vai trò của Bí thư chi bộ bản, Trưởng bản, các đoàn thể cùng vào cuộc trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện Đề án 281 ở Nà Sự đã mang lại hiệu quả rất tốt, ông Lò Văn Mai, trưởng bản Nà Sự cho biết: “Trong các buổi họp bản chúng tôi luôn luôn lồng ghép việc tuyên truyền, vận động để phụ huynh quan tâm về việc học tập của con cháu, nêu gương người thật – việc thật về các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“Cộng đồng học tập”để người dân hiểu, học tập và làm theo. Bây giờ, ở bản chúng tôi không có hiện tượng học sinh bỏ học, ăn chơi lêu lổng, đua đòi, vi phạm pháp luật. Cứ  vào mỗi buổi tối, không chỉ có học sinh ngồi vào bàn học bài mà nhiều phụ huynh cũng tự nguyện tham gia đọc sách, báo, lên mạng internet để tìm kiếm thông tin, học cách làm kinh tế, chăn nuôi trồng trọt, nuôi dạy con cái nên người,…
Được biết, một trong những tiêu chí để đánh giá “Cộng đồng học tập thôn bản” là chi hội khuyến học thôn bản có nhiều hình thức giúp đỡ, động viên trẻ em và người lớn học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Trong những năm qua, chi hội khuyến học bản Nà Sự đã động viên khuyến khích được rất nhiều con em trong bản vượt khó vươn lên trong học tập. Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử năm 2018, người dân Chà Nưa không khỏi bàng hoàng, xót xa khi hàng chục ha lúa, hoa màu, hơn 40 nhà dân bị ngập lụt, trong đó 1 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, các trường học ngập trong bùn lầy, hơn 700 học sinh phải nghỉ học để tránh lũ. Trong đó, bản Nà Sự có 11 hộ bị ảnh hưởng, 04 ngôi nhà bị ngập lụt phải sơ tán và làm mới. Trước nguy cơ con em trong một số hộ gia đình bị ảnh hưởng có thể phải nghỉ học một thời gian dài để giúp bố mẹ, chi hội khuyến học bản Nà Sự cùng với Hội khuyến học xã, cấp ủy chính quyền địa phương và các nhà trường đã đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần các gia đình bị ảnh hưởng kịp thời khắc phục hậu quả sau trận lũ để con em họ tiếp tục trở lại trường.
Nhờ đẩy mạnh mô hình “Cộng đồng học tập thôn bản” nên ý thức về tầm quan trọng của việc học trong phụ huynh không ngừng tăng lên. Các mô hình học tập được xây dựng, phát triển gắn kết với xây dựng “Dòng họ học tập” và lồng ghép với việc xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Bây giờ ở bản Nà Sự, nhiều gia đình có con cái thành đạt, công ăn việc làm ổn định hoặc đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm còn 5,2%, bản có 4 dòng họ hiếu học, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, không có học sinh bỏ học. Các em học sinh đều có đạo đức, lối sống lành mạnh; người lớn trong gia đình đều hưởng ứng tốt việc học, phong trào “Cộng đồng học tập” đạt 89 điểm theo bộ tiêu chí khuyến học đề ra, cao hơn nhiều so với bản khác. Năm 2019, Chà Nưa là xã đầu tiên của huyện Nậm Pồ đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có sự  đóng góp không nhỏ của Cộng đồng học tập bản Nà Sự.
Thực tế cho thấy, mỗi gia đình, dòng họ học tập chính là hạt nhân để xây dựng một xã hội học tập và tất nhiên thôn bản nào có nhiều gia đình, dòng họ được công nhận là “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” thì thôn bản đó sẽ đạt các tiêu chí đánh giá “Cộng đồng học tập”.
Chúng tôi đến Ba Chà – “Thủ phủ” của dòng họ Tao, trong ngôi nhà sàn khang trang, cổ kính, lâu đời của dòng họÔng Tao Văn Vin – Người có uy tín xã Chà Nưa hồ hởi chia sẻ: Trước năm 2000, trong khu vực Ba Chà (Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở), hệ thống giáo dục chỉ mở đến cấp Trung học cơ sở nhưng nhiều gia đình trong dòng họ Tao đã gửi con em ra tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) để học hết cấp Trung học phổ thông, sau đó cho đi học ở các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đi học cử tuyển. Trước kia việc đi học của các cháu rất khó khăn, còn bây giờ việc học hành của con cháu thuận tiện lắm, trong họ thì nhà nào cũng phấn đấu mua tivi, máy tính, rồi lắp mạng internet để tạo điều kiện cho con cháu học hành.
Được biết, dòng họ Tao, xã Chà Nưa là một trong những dòng họ làm khuyến học sớm nhất của huyện Mường Chà (nay là huyện Nậm Pồ). Đầu năm 2001, con cháu trong họ thống nhất xây dựng quỹ khuyến học để động viên con cháu học hành, giúp ích cho gia đình, dòng họ và quê hương. Từ đó đến nay, quỹ khuyến học của dòng họ Tao luôn được duy trì và ngày càng phát triển.Với 100% số hộ đóng góp vào quỹ theo khả năng của mình, hiện nay quỹ khuyến học của dòng họ Tao duy trì mức 50 triệu đồng mỗi năm.  Từ việc làm tốt công tác khuyến học nên con cháu trong dòng họ Tao luôn phấn đấu thi đua học tập, rèn luyện và đạt nhiều thành tích. Hiện nay, dòng họ có 47 người tốt nghiệp đại học, 03 người tốt nghiệp Thạc sĩ, 01 bác sĩ chuyên khoa cấp II; 09 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp; 23 cháu đang theo học các trường Đại học, cao đẳng.
Từ việc làm tốt công tác khuyến học nên con cháu trong dòng họ Tao luôn phấn đấu thi đua học tập, rèn luyện và đạt nhiều thành tích.
Không chỉ quan tâm đến việc học tập rèn luyện của trẻ em mà Ban khuyến học của dòng họ Tao còn quan tâm động viên người lớn học tập nâng cao trình độ, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau học tập và phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều gia đình trong dòng họ Tao đã mạnh dạn học hỏi, tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Ông Tao Văn Son, Bản Cấu, xã Chà Nưa là một trong những điển hình như vậy.
Trước đây, gia đình ông Son sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, cuộc sống phụ thuộc vào mấy thửa ruộng, con trâu kéo cày, nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều năm tích cực học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi từ những người làm kinh tế giỏi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện, Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức, ông Son đã phát triển mô hình kinh tế VAC của gia đình, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Tao Văn Son cho biết: Trước kia tôi đi bộ đội, sau khi xuất ngũ trở về quê hương thì tôi đã tự mình học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, rồi qua bạn bè giới thiệu tôi đã trực tiếp xuống Điện Biên để học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình kinh tế để về nhà áp dụng và làm theo”.
Ông Tao Văn Son (người ngoài cùng bên phải) với mô hình kinh tế VAC của gia đình ở bản Cấu, xã Chà Nưa
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn vận động, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống, cây trồng cho người trong dòng họ và những hộ gia đình khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Bởi vậy, nhiều năm liền, gia đình ông Son đạt danh hiệu "Gia đình học tập". Bản thân ông được Hội Nông dân các cấp biểu dương là điển hình về phát triển kinh tế.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 281, kết quả đầu tiên và quan trọng phải kể đến đó chính là đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức về vai trò của công tác khuyến học ở tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân về vai trò của việc học tập để xây dựng XHHT. Nếu như trước đây nhận thức về công tác khuyến học chỉ là khuyến khích hỗ trợ việc học với những tiêu chí khuyến khích trong “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”, “Đơn vị khuyến học” thì nay đã nâng lên tầm nhận thức mới với những tiêu chí học tập của “GĐHT”, “DHHT”, “CĐHT”, “ĐVHT” để tiến tới xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở. Điều này thể hiện ở việc đăng ký phấn đấu các mô hình học tập năm sau đều tăng so với năm trước. Bên cạnh đó, phong trào học tập suốt đời đã có tác động tích cực tới người lớn, việc học đã trở thành nhu cầu, người dân tham gia các lớp học cộng đồng nhiều hơn, thúc đẩy các trung tâm HTCĐ hoạt động ngày càng hiệu quả nhất là triển khai Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn đến 2020” và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, phong trào khuyến học khuyến tài ở huyện biên giới Nậm Pồ đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng các mô hình cộng đồng học tập, đặc biệt là xây dựng “Cộng đồng học tập thôn bản” gắn với xây dựng “Dòng họ học tập” là hướng đi đúng đắn để Hội khuyến học huyện phát triển phong trào học tập sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nâng cao trình độ dân trí, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương./.
 

Tác giả: quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

licham.net

- Click vào nút hiển thị ngày trong tuần hoặc tháng âm lịch để xem chi tiết

- Màu đỏ: Ngày tốt

- Xanh lá: Đầu tháng âm lịch

- Màu vàng: Ngày hiện tại

QUẢN LÝ THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,561
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm2,549
  • Hôm nay52
  • Tháng hiện tại3,600
  • Tổng lượt truy cập8,001
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi